Hiến máu là một hành động rất nhân văn. Ở Việt Nam người hiến máu nhiều lần nhất đã hiến gần 100 lần, sức khỏe hoàn toàn tốt. Tuy vậy, nhiều người vẫn còn lo ngại về việc hiến máu có thể gây tổn hại cho sức khỏe. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết để mọi người hiểu rõ về ý nghĩa của hiến máu cũng như giải đáp các lo ngại xoay quanh việc hiến máu tốt hay xấu.
- Hiến máu là gì?
Theo hội chữ thập đỏ Việt Nam, các hình thức hiến máu sẽ gồm có 2 hình thức sau đây:
Hiến máu toàn phần:
Hiến máu toàn phần là hình thức hiến máu linh hoạt nhất. Máu được lấy dưới dạng nguyên thủy, gồm có huyết tương và các tế bào máu gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Sau khi được hiến, máu sẽ được truyền đi nguyên vẹn hoặc tách ra các thành phần cụ thể để đưa vào sử dụng trong điều trị, tùy thuộc vào nhu cầu chữa trị của bệnh nhân.
Hiến máu thành phần:
Trong các ca điều trị như truyền máu khẩn cấp, bênh hồng cầu hình liềm, chấn thương cần đến một số lượng lớn các thành phần máu như tiểu cầu, huyết tương, hồng cầu, thay vì hiến máu toàn phần thì có thể lựa chọn hiến một thành phần:
– Hiến hồng cầu sẽ cung cấp lượng tế bào hồng cầu nhiều hơn.
– Một lần hiến tặng tiểu cầu có thể mang lại một số đơn vị sử dụng ngay, trong khi cần đến năm lần hiến máu toàn phần để tạo thành một đơn vị tiểu cầu hữu dụng.
- Hiến máu tác động thế nào đến sức khỏe?
Hiến máu có tốt không luôn là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Đáp án chính là hiến máu không chỉ giúp được nhiều người mà còn mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe cho người hiến máu. Sau đây là những lợi ích sức khỏe mà hiến máu mang lại:
Được kiểm tra sức khỏe
Trước khi hiến máu, người hiến máu sẽ được kiểm tra sức khỏe bắt buộc để đảm bảo máu đủ điều kiện hiến. Sau khi hiến máu, máu sẽ được đem đi sàng lọc, thông qua kết quả xét nghiệm trả về, có thể biết được các thông tin như nhóm máu, các bệnh truyền nhiễm, …
Cải thiện sức khỏe tinh thần
Hiến máu giúp mang lại cảm giác hạnh phúc vì hành động đẹp đối với xã hội, phần máu của người hiến sẽ được truyền để cứu được một hoặc rất nhiều người. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu chứng minh ảnh hưởng của hiến máu đối với sức khỏe tinh thần như:
– Giảm căng thẳng
– Giúp thoát khỏi cảm giác tiêu cực
– Mang đến cảm giác thân thuộc cho người hiến, giảm sự cô lập cộng đồng
Giảm quá tải Sắt và kích thích tạo máu mới
Trong các nghiên cứu, lượng huyết sắc tố chết tự nhiên trong cơ thể sẽ được tách làm ba phần gồm tái hấp thụ, thải ra ngoài và tồn tại trong kho dự trữ. Hiến máu giúp giảm lượng Sắt dư trong cơ thể và thúc đẩy quá trình thải Sắt thuận lợi. Việc hiến máu còn giúp kích thích tủy xương tăng sinh máu, sản xuất lượng hồng cầu đủ bù cho hồng cầu đã hiến đi.
Hiến máu không làm tăng cân
Theo ước tính, mỗi lần hiến 450ml máu sẽ đốt cháy khoảng 650 calo và giảm lượng cholesterol trong máu. Thêm vào đó, cơ thể chỉ sản xuất vừa đủ lượng hồng cầu mất đi và không thể làm tăng cân nhanh chóng.
III. Những điều cần lưu ý khi hiến máu
Đối với sức khỏe người hiến máu
– Độ tuổi hiến máu là đủ 18 tuổi đến 60 tuổi đối với nam và đến 55 tuổi đối với nữ.
– Hiến máu toàn phần: người hiến phải có trọng lượng cơ thể thấp nhất là 45kg và mỗi lần hiến không quá 450ml máu toàn phần.
– Hiến các thành phần máu: Người hiến phải có trọng lượng cơ thể ít nhất 50 kg và mỗi lần không hiến quá 500ml các loại thành phần.
– Mỗi năm chỉ được hiến máu từ 3 – 4 lần trong tình trạng tốt, mỗi lần cách nhau 12 tuần đối với cả nam và nữ.
Khi nào không được hiến máu?
Theo Bộ Y Tế, không được hiến máu khi gặp các tình trạng về sức khỏe như:
– Người đã nhiễm hoặc đã thực hiện hành vi có nguy cơ nhiễm: viêm gan B, viêm gan C, và các virus lây qua đường truyền máu.
– Người có các bệnh mãn tính: tim mạch, huyết áp, hô hấp, dạ dày, …
Hy vọng bài viết trên đã giải đáp được thắc mắc cho bạn về câu hỏi hiến máu có tốt không, và những thông tin cần thiết khi quyết định hiến máu.